Một trong những bệnh thường hay gặp nhất ở trẻ đó chính là sốt. Sốt sẽ gây ra những biến chứng khó lường nếu không được xử lý đúng cách có thể kể đến như co giật, mất nước, suy kiệt… Co giật chính là một trong những biến chứng nặng khi bị sốt. Khi bị co giật đòi hỏi phải xử lý cấp cứu ngay lập tức vì nó có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ hay có thể để lại những di chứng nặng nề như động kinh hay chậm phát triển tâm trí. Ngoài ra, sốt co giật còn có khả năng làm trẻ chậm vận động nếu trường hợp sốt kéo dài.
Trước tình hình này nhiều bậc ba mẹ thường hay lung túng không biết cách xử lý sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sau đây mời các bạn cùng tintuxs tìm hiểu qua nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh sốt co giật ở trẻ nhỏ.
Sốt thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 tháng cho đến 6 tuổi
Lúc này, não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy rất nhạy cảm với sự thay đổi của thân nhiệt.
Khi sốt từ 38,9ºC trở lên hệ thần kinh rất dễ bị kích thích. Làm xuất hiện các cơn co giật ở chân tay hoặc toàn thân, kèm theo hơi thở nhanh và nông. Trẻ có thể đái dầm không tự chủ hoặc mất ý thức trong vài phút cho dù mắt vẫn mở.
Đa số trẻ sốt dẫn đến co giật thường có nhiệt độ lớn hơn 38,9°C. Đa số các cơn co giật thường kéo dài dưới 15 phút. Một cơn co giật kèm sốt kéo dài hơn 15 phút được xem là bất thường. Trẻ bị sốt co giật không phải bệnh động kinh. Bởi vì bệnh động kinh có đặc điểm là co giật tái diễn và nguyên nhân của bệnh không phải bắt đầu từ sốt.
Nguyên nhân khiến trẻ sốt co giật
Nguyên nhân khiến trẻ sốt co giật rất nhiều. Trong đó có tình trạng nhiễm trùng: nhiễm do siêu vi, nhiễm do vi khuẩn hoặc sau chích ngừa cũng có thể khiến trẻ bị sốt co giật.
Ngoài ra tình trạng sốt co giật ở trẻ thường hay có yếu tố tiền sử gia đình. Có thể tiền căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ như bố, mẹ, anh, chị…
Những dấu hiệu khi trẻ bị sốt cao co giật
Trong cơn co giật do sốt, trẻ có thể bị mất ý thức, mắt trợn ngược, tay chân co cứng hoặc co giật. Trẻ cũng có thể nôn mửa. Sau cơn co giật, trẻ có thể mệt mỏi, buồn ngủ và lú lẫn trong một khoảng thời gian ngắn.
Sau co giật hoặc gồng cứng cơ thể, trẻ sẽ thường rất buồn ngủ. Lúc này cha mẹ cần để cho con nghỉ ngơi. Tuy nhiên cần kiểm tra những thay đổi về nhịp thở hoặc xem tay chân của bé có còn co giật hay không một cách thường xuyên để có hướng xử trí. Trẻ có thể nhầm lẫn, mơ màng sau khi co giật. Nhưng sẽ khôi phục lại hoạt động bình thường trong vòng 60 phút.
Những việc cần làm khi trẻ bị co giật
Để trẻ nằm yên tránh kích thích nhiều
Trong cơn co giật đặt trẻ nằm nghiêng về một bên để tránh cho trẻ bị nghẹt thở bởi nước bọt hoặc chất nôn. Cởi bỏ hết quần áo để trẻ dễ thở và hạ thân nhiệt. Không đặt bất cứ vật gì vào trong miệng của trẻ. Không cố gắng làm trẻ ngừng co giật bằng cách giữ chặt tay, chân của trẻ trong khi trẻ đang lên cơn co giật.
Dùng khăn nhúng nước ấm lau người trẻ nhiều lần vùng nách và bẹn để hạ nhiệt
Bên cạnh đó làm mát môi trường xung quanh,hạn chế người quanh trẻ, mở thông thoáng cửa sổ. Vì trẻ co giật không thể uống thuốc được nên cần nhanh chóng dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn theo chỉ định của bác sĩ ( thông thường là 15-20mg/kg). Cố gắng giữ bình tĩnh. Đa số các cơn co giật đều tự ngưng trong vòng vài phút.
Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc có kèm theo triệu chứng cứng cổ, nôn mửa hoặc có vấn đề về hô hấp. Tuyệt đối không được hạ nhiệt cho trẻ bằng cách đặt trẻ vào trong bồn tắm chứa nước lạnh trong khi trẻ đang co giật.
Để trẻ ngủ yên sau cơn co giật
Sau khi co giật nên để trẻ ngủ yên 1-2h. Lau chùi đờm nhớt chất nôn ở miệng. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cho trẻ. Nên cho trẻ uống nhiều nước sau khi co giật. Cần đưa trẻ tới trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để tìm ra nguyên nhân sốt. Trẻ co giật lần đầu. Nếu cơn co giật lần này kéo dài hơn 15 phút. Trẻ không nằm trong lứa tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi. Trẻ lơ mơ kéo dài sau co giật. Trẻ có kèm với các bất thường khác như cổ cứng, nôn mửa nhiều lần hoặc bất cứ triệu chứng nào khiến bạn không thấy an tâm. Cơn co giật lần này không giống với những lần co giật do sốt trước đây (đối với trẻ đã hơn một lần co giật do sốt)
Những biện pháp phòng co giật ở trẻ
Một khi cơn co giật do sốt cao ở trẻ xảy ra thì rất hay tái phát. Việc này làm cho những bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Bên cạnh đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Nếu như ba mẹ biết xử lý từ lúc mới sốt thì chúng ta có thể phòng chống được cơn co giật xảy ra.
Cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay khi có triệu chứng sốt. Nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều hơn. Bên cạnh đó cởi bớt quần áo và đặt trẻ nằm nơi thoáng mát. Lưu ý không được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ. Theo dõi thân nhiệt thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ cho trẻ khi trẻ bị sốt cao. Làm mát cho trẻ bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm và sử dụng thuốc hạ nhiệt khi cơ thể lên quá 39 độ C.