Hoa sen được coi là một trong những biểu tượng của phẩm chất con người Việt Nam. Loài hoa này không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, nó tượng trưng cho khí chất thanh cao, bất khuất “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của người Việt Nam. Chính vì thế, hoa sen hồng chẳng còn xa lạ gì với người dân ven sông Đầm.
Cứ bắt đầu từ giữa tháng 5 đến tháng 7 là thời điểm sen hồng bắt đầu nở ở sông Đầm, khu Bãi Sậy, phường An Phú và xã Tam Thăng (Tam Kỳ). Một số người nông dân lam lũ đã được cải thiện thu nhập nhờ vào việc thu hoạch hạt sen theo mùa, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cho “lá phổi xanh” của thành phố.
Giới thiệu đôi nét về sông Đầm
Mùa hè, sen được người dân trồng ven sông Đầm nở rộ trên mặt nước, thu hút nhiều người đến tham quan chụp ảnh.
Sông Đầm từ lâu đã được ví như “lá phổi xanh” của thành phố Tam Kỳ được bao quanh bởi lau sậy um tùm, tôm cá và nhiều loại chim di cư và bản địa. Ít ai biết rằng, trước đây, ven sông này là những cánh đồng do người dân canh tác, thường xuyên bị ngập úng, trồng lúa năng suất thấp.
Sông Đầm, có diện tích mặt nước rộng gần 200 ha, mực nước sâu trung bình 1,6 m và 300 ha ven bờ, trải dài xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, cách trung tâm TP Tam Kỳ khoảng 4 km. Nơi đây có thảm thực vật, hệ động vật đa dạng, cá tôm, lau sậy, cói, sen, súng hòa quyện, tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ.
Cứ từ giữa tháng 5 trở đi, người dân trồng sen ở khối An Hà Đông lại tất bật thu hoạch sen trên sông. Do rơi vào mùa nắng nóng cao điểm nên việc thu hoạch sen có phần vất vả hơn. Người trồng sen phải dậy từ sáng sớm hoặc đợi đến chiều mát mới ra sông thu hoạch. Bên cạnh đó, sen được trồng rải rác trên sông Đầm; nên người dân phải đi thuyền mới đến được vườn sen. Bù lại, do chi phí đầu tư không quá lớn, trong khi sen thành phẩm bán được giá; nên đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng.
Những năm gần đây, người dân địa phương trồng sen ven bờ lấy hạt với diện tích khoảng 5 ha; ở nhiều điểm đã tạo thêm cảnh quan cho sông Đầm. Để phục vụ du khách, anh Châu Văn Cư, xã Tam Thăng – chủ đầm sen làm những cây cầu tre giữa đầm; để đón khách lên check in và ngôi nhà mái lá làm điểm dừng chân.
Tham quan, chụp ảnh trên trên sông Đầm
Những ngày này sen nở rộ, nhiều du khách đến sông Đầm tham quan vào sáng sớm. Địa phương có nhiều ghe thuyền chuyên chở du khách khám phá phong cảnh sông và ngắm sen, súng. Mức giá 200.000 đến 300.000 đồng một thuyền chở từ 4 đến 10 người.
Hoa sen nở rộ từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7. Buổi sáng là thời điểm sen nở đẹp nhất trong ngày và héo khi trời nắng to. Chị Hoa Phượng, ở TP Tam Kỳ ngồi trên thuyền tạo dáng chụp ảnh bên hoa sen. “Sông Đầm có cảnh quan đẹp, mát, sạch và yên bình của làng quê”, chị nói và cho biết; khi đến đây được thả hồn vào dòng sông còn hoang sơ, nhiều cảnh vật nên thích thú.
Xung quanh sông Đầm có nhiều cỏ lác, rặng lau, sậy; tạo nên vẻ đẹp hài hòa của một vùng quê ngoại ô TP Tam Kỳ. Mùa này, hoa cỏ lác chín màu đỏ sẫm tạo nên một bức tranh đẹp quanh bờ sông. Để khám phá, du khách ngồi trên thuyền đi theo các lối nhỏ.
Bắt cá trên sông Đầm
Ngoài việc chụp ảnh sen, du khách đến sông Đầm thỉnh thoảng bắt gặp người dân dỡ chuôm bắt cá. Đây là loại hình bắt cá truyền thống lâu đời được người dân gìn giữ. Họ cho cành cây cắm dày đặc xuống sông dụ cá đến ở; sau đó dùng lưới vây quanh dỡ cọc lên bắt cá.
Sông Đầm là hồ một nước được thông với sông Bàn Thạch. Mỗi ngày thủy triều lên xuống, dòng nước trong sông Đầm thay đổi. Quảng Nam quy hoạch sông Đầm như một công viên lớn. Tỉnh đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế và trong nước; nghiên cứu, phát triển phục hồi hệ sinh thái sông. Sông Đầm phải được bảo tồn nguyên trạng và lấy hệ sinh thái ở đây làm nền tảng để định hướng cho hoạt động du lịch.