Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất dễ mắc phải các căn bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân của việc là do sức đề kháng của trẻ ở độ tuổi này còn non yếu. Vì vậy trẻ rất dễ bị virus và vi khuẩn tấn công. Một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đó chính là sốt siêu vi. Thông thường, bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn sau khoảng hơn 1 tuần. Tuy nhiên với những trẻ có sức đề kháng yếu hoặc không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số những thông tin cũng như cách phòng bệnh sốt siêu vi ở trẻ mà mẹ nên ghi nhớ.
Sốt siêu vi là gì? Khả năng lây nhiễm có cao không?
Sốt siêu vi (hay còn gọi là sốt virus) là tình trạng sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Trong đó điển hình nhất là Rhinovirus, coronavirus, adenovirus, virus cúm, enterovirus. Bệnh này thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ẩm. Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày, nếu được điều trị tích cực. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan vì bệnh diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Sốt siêu vi là do virus gây ra nên bệnh dễ lây truyền từ người này sang người khác. Đặc biệt, virus dễ lây lan và gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém. Sốt siêu vi dễ dàng lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa, qua các hoạt động giao tiếp nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch mũi của bệnh nhân, sử dụng chung dụng cụ ăn uống, cá nhân. Đa phần, lây nhiễm sốt siêu vi đều qua dịch tiết bắn ra khi hắt hơi, nói chuyện, ho,…Một số ít trường hợp là lây truyền qua đường máu khi tiêm chính hoặc lây từ mẹ sang con.
Virus rất dễ lan và gây bùng dịch nhanh chóng. Do đó, việc phòng ngừa và ngăn lây nhiễm là rất quan trọng. Người lớn cần lưu ý để cho trẻ không tiếp xúc gần với người bệnh. Nếu trẻ bị bệnh cũng cần phải nghỉ học, tránh nơi đông người để không gây lây lan cho người khác.
Một số dấu hiệu của sốt siêu vi ở trẻ
Dấu hiệu của trẻ bị sốt siêu vi thường giá giống với các bệnh thông thường. Vì thế, ba mẹ cần phải chú ý, theo dõi bé kỹ càng. Trong giai đoạn ủ bệnh, trẻ bị sốt siêu vi đều có các biểu hiện tương đối giống nhau như: Mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, sau đó là sốt. Sốt có thể là sốt nhẹ hoặc rất cao, liên tục hoặc ngắt quãng. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị viêm đỏ hầu họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau mắt đỏ, đau khớp, đau cơ, nổi ban da.
Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu sau, chị em nên nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé:
- Sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo chân tay lạnh, run rẩy bất thường.
- Toàn thân phát ban.
- Đau bụng, nôn ói.
- Đi ngoài ra máu, phân đen.
- Hay giật mình hoảng hốt.
Những biến chứng nguy hiểm của thể gặp của sốt siêu vi
Thông thường, trẻ có thể được điều trị khỏi hoàn toàn khi bị sốt siêu vi. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bé có nguy cơ đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng mẹ cần đặc biệt lưu ý như:
Viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất
Viêm phổi chính là biến chứng phổ biến nhất của bệnh sốt siêu vi ở trẻ. Khi đường hô hấp bị nhiễm trùng nặng sẽ gây ra các tổn thương cho mô phổi. Từ đó hệ hô hấp sẽ bị suy nhược do quá trình trao đổi khí bị rối loạn nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tử vong khi mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp.
Trẻ có thể bị viêm phế quản
Trẻ bị sốt virus sẽ rất dễ bị viêm tiểu phế quản, đặc biệt là các bé dưới 1 tuổi. Khi virus xâm nhập thành công vào hệ hô hấp của bé sẽ khiếm tiểu phế quản bị viêm nhiễm, dẫn đến tình trạng sưng phù. Đồng thời, tình trạng viêm nhiễm còn tiết ra dịch làm tắc nghẽn tiểu phế quản, khiến bé khó thở.
Nguy cơ bị viêm thanh quản
Không chỉ có phổi và tiểu phế quản, virus còn tấn công cả thanh quản của bé. Khi thanh quản bị virus tấn công, bé sẽ có biểu hiện là ho nhiều, ho liên tục. Viêm thanh quản có khả năng gây sưng đường hô hấp khiến đờm tích tụ nhiều ở mũi và họng, khiến bé gặp khó khăn trong việc hít thở.
Viêm cơ tim là biến chứng nguy hiểm
Sốt siêu vi gây viêm cơ tim là hiện tượng tuy hiếm gặp nhưng không phải là không có. Đó là hiện tượng các bé bị virus adenovirus tấn công, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bé sẽ bị viêm cơ tim. Dấu hiệu nhận biết trẻ vị virus adenovirus tấn công là: mệt mỏi, khó thở, chán ăn, không hoạt bát, dễ lịm đi,…Khi nhận thấy con có biểu hiện này, ba mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ ngay nhé.
Sốt siêu vi có thể gây biến chứng ở não
Sốt siêu vi có thể khiến thân nhiệt của bé tăng cao, xuất hiện những cơn co giật, hôn mê. Chính những cơn co giật sẽ gây ra các di chứng ở não, khiến cả sức khỏe và sự phát triển sau này của bé đều bị ảnh hưởng. Vì thế, khi thấy con sốt cao, có những biểu hiện trên thì phải có phương án xử lý kịp thời.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi
Tại thời điểm này vẫn chưa có bất cứ loại thuốc đặc trị nào có thể chữa trị triệt để được bệnh sốt siêu vi. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt siêu vi, bố mẹ cần phải lưu ý đến một số vấn đề sau để trẻ nhanh khỏi bệnh và không gây ra bất cứ biến chứng nguy hiểm nào:
- Kiểm tra thân nhiệt của bé thường xuyên.
- Cho bé nằm nghỉ ngơi.
- Lấy khăn mềm, nhúng nước ấm, vắt khô và lau người cho bé, đặc biệt là vùng nách và bẹn,…để làm giảm thân nhiệt cho bé.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.
- Cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước oresol, nước ép trái cây để bổ sung vitamin C cho trẻ, giúp tăng cường sức đề kháng cho bé.
- Trường hợp bé sốt trên 38.5 độ C, mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, mẹ phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng, tuyệt đối không được tự ý sử dụng cho con.
Những biện pháp phòng bệnh sốt siêu vi hiệu quả cho trẻ
Sốt siêu vi là bệnh rất dễ gặp ở trẻ nhỏ và có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy các bậc phụ huynh nên chú ý để phòng tránh cho trẻ. Ba mẹ có thể phòng bệnh sốt siêu vi cho con bằng những mẹo sau:
- Xây dựng 1 chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất cho bé.
- Chăm chỉ vệ sinh nhà cửa và giữ gìn môi trường xung quanh sao cho sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời, ngăn ngừa sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
- Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Cho bé tiêm phòng đầy đủ.
- Tránh xa những bé hoặc người đang bị nhiễm bệnh.
Với những biện pháp trên, trẻ không chỉ phòng tránh được bênh sốt siêu vi mà còn phòng tránh được rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Trên đây là những thông tin về bệnh sốt siêu vi ở trẻ. Hy vọng với những nội dung này, bạn đã biết cách chăm sóc trẻ khi bị sốt siêu vi, để từ đó phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nuôi con thật sự là cuộc chiến. Tuy nhiên những năm đầu đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng với trẻ. Vì vậy cha mẹ nên đặc biệt lưu ý để trẻ có thể phát triển toàn diện nhất.